Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức pháp chế
Lượt xem: 38

Ngày 18/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

- Về phạm vi điều chỉnh Nghị định này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi là cấp tỉnh), doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý nhà nước về công tác pháp chế.

- Về Tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thành lập tại cơ quan chuyên môn có phạm vi quản lý rộng, yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp và do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao. Trường hợp không đủ điều kiện và tiêu chí thành lập tổ chức pháp chế thì bố trí trong Văn phòng (nếu cơ quan chuyên môn có Văn phòng) hoặc phòng chuyên môn, nghiệp vụ (nếu cơ quan chuyên môn không có Văn phòng). Tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn chịu sự kiểm tra về công tác pháp chế của Sở Tư pháp và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ về: công tác xây dựng pháp luật; công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật; công tác bồi thường của Nhà nước; công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…

- Về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập: Xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập. Trực tiếp chỉ đạo công tác pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập. Tổ chức bộ phận pháp chế hoặc bố trí viên chức thực hiện công tác pháp chế, bảo đảm kinh phí, tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập. Báo cáo về công tác pháp chế theo định kỳ hằng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất gửi cơ quan chủ quản để tổng hợp...

- Văn bản có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/7/2024.

Nội dung chi tiết của Nghị định số 56/2024/NĐ-CP xem và tải tại đây ./.

 

(Lý Thị Phượng - Văn phòng Sở)

web basic 2x