Trải qua 65 năm hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Thủ tướng phủ trước kia và Ban Tôn giáo Chính phủ ngày nay đã không ngừng phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về chủ trương, chính sách đối với tôn giáo; thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo; góp phần đấu tranh chống các hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực xấu vào mục đích chính trị. Đặc biệt là động viên tín đồ, chức sắc các tôn giáo tham gia và có những đóng góp rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Phát huy vai trò và truyền thống của ngành quản lý nhà nước về tôn giáo, động viên cán bộ công chức của ngành, theo đề nghị của Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, ngày 27/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 445/QĐ-TTg về việc lấy ngày 02/8 hàng năm là “Ngày truyền thống Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo”. Từ đó, ngày 02/8 hàng năm là dịp để cán bộ, công chức và người lao động làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cùng nhau ôn lại những truyền thống vẻ vang của toàn ngành
Gắn liền với từng giai đoạn xây dựng và trưởng thành của ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo cả nước. Ngày 08/8/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 164/2003/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Dân tộc, Tôn giáo tỉnh Hòa Bình: Ở cấp tỉnh với tên gọi là Ban Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở sáp nhập Ban Tôn giáo tỉnh và Chi cục định canh, định cư và vùng kinh tế mới trong đó có Phòng Tôn giáo; Ở cấp huyện: Công tác tôn giáo thuộc văn phòng UBND các huyện, thị xã và thành lập Phòng Tôn giáo năm 2004; Cấp xã: Phân công theo dõi công tác tôn giáo không có sự thống nhất chung, mỗi địa phương một khác (Mặt trận tổ quốc, công chức văn hóa, văn phòng UBND hoặc công an xã).Là cơ quan chuyên môn, Ban Dân tộc tôn giáo tỉnh có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo, là đầu mối quan hệ giữa chính quyền với tổ chức tôn giáo.
Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,và Thông tư số 04/2008/TT-BNV của Bộ Nội vụ, ngày 17/11/2008, UBND tỉnh Hòa Bình kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh, theo đó chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về công tác Tôn giáo vào Sở Nội vụ quản lý, tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ của công tác quản lý nhà nước về tôn giáo không có nhiều thay đổi, mà theo hướng được tăng cường và củng cố hơn về mọi mặt, đồng thời từng bước củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức nhân sự và đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở cơ sở theo quy định mới của Bộ Nội vụ; tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tô thắm cho những trang sử vẻ vang của ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo. Đến nay phòng Tôn giáo có 04 biên chế, 01 Trưởng phòng, 01 Phó trưởng phòng và 02 chuyên viên. Cấp huyện có 01 Phó trưởng phòng Nội vụ và 01 chuyên viên kiêm nhiệm công tác tôn giáo. Cấp xã có Phó Chủ tịch UBND và một công chức Văn phòng kiêm nhiệm.
17 năm qua, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, địa phương; đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác QLNN về tôn giáo, ngành Tôn giáo đã không ngừng phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:
Sở Nội vụ tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các ngành hữu quan của tỉnh, chính quyền các huyện, thành phố quán triệt sâu rộng các Nghị quyết của Đảng về công tác tôn giáo đặc biệt là Nghị quyết Ban chấp hành TW 7 về công tác tôn giáo; Chỉ thị số 15/CT-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Về việc tăng cường công tác quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó tập trung tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, Nghị định 22/2005/NĐ- CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và hiện nay là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định 162/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo tới các cấp, các ngành, các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; Thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản QLNN về tôn giáo thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Sở Nội vụ tỉnh đã phối hợp với các ngành hữu quan, chính quyền cấp huyện trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; là đầu mối liên hệ với các tổ chức tôn giáo, tham mưu cho UBND tỉnh quan tâm đến nhu cầu chính đáng và đúng pháp luật của chức sắc, nhà tu hành và tín đồ trên địa bàn tỉnh như: phong chức, phong phẩm, tổ chức hoạt động các ngày lễ lớn của tôn giáo như Noel, Phật đản… động viên bà con giáo dân phấn khởi hăng say tham gia lao động sản xuất xây dựng quê hương, hưởng ứng các phong trào văn hoá, xã hội và các hoạt động từ thiện nhân đạo góp phần vào thành quả chung của tỉnh. Ngoài ra, tham mưu giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở những kiến nghị, đề nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến tôn giáo đúng pháp luật có lý, có tình nên không có điểm nóng về tôn giáo mặc dù tiềm ẩn rất nhiều điểm do lịch sử để lại.
Sở Nội vụ tỉnh đã chỉ đạo Phòng Tôn giáo cùng với đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo tại cơ sở luôn chủ động, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, các đoàn thểchính trị - xã hội, các địa phương có liên quan từ Trung ương đến địa phương có liên quan tăng cường tiếp xúc với các vị chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo trên địa bàn nhằm hướng dẫn các hoạt động tôn giáo theo đúng quy định; đề xuất giải quyết nhu cầu chính đáng của các tổ chức tôn giáo kịp thời. Tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương xử lý các hoạt động tôn giáo trái pháp luật liên quan như: lấn chiếm đất đai, xây dựng và mở rộng công trình tôn giáo trái phép, việc tổ chức các hoạt động tôn giáo không đăng ký, thông báo với các cấp chính quyền… đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở Nội vụ tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình phối hợp, hành động và tổ chức ký kết chương trình phối hợp trong công tác tôn giáo với các ngành liên quan như: Công an tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh…; trình UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong giải quyết các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Thông qua chương trình phối hợp đã huy động được nhiều ngành chức năng vào cuộc, phát huy thế mạnh và trách nhiệm của từng ngành trong nhiệm vụ công tác tôn giáo nói chung. Từ đó, các vấn đề tôn giáo phát sinh trên địa bàn được giải quyết tốt; góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, tình hình tôn giáo trong những thời điểm chính trị nhạy cảm được giữ vững .v.v…
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Sở Nội vụ đã thường xuyên thực hiện tốt nhiệm vụ là cầu nối, là nơi giữ mối liên hệ giũa chính quyền và tổ chức tôn giáo. Nhiệm vụ này được cơ quan thực hiện vói nhiều hình thức đa dạng, linh động, không chỉ với tổ chức tôn giáo mà cả với các vị chức sắc, người đứng đầu các tổ chức tôn giáo các cấp, chức việc…Không chỉ quan hệ khi có vụ việc hay thăm, chúc mừng… thường xuyên giữ mối liên hệ; khi trực tiếp, khi qua các trang mạng xã hội, các cuộc giao lưu…Việc làm này không chỉ có tác dụng tốt trong công tác tuyên truyền, vận động,quản lý, giữ mối quan hệ gần gũi mà còn được các tổ chức, cá nhân tôn giáo đánh giá cao, ủng hộ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo gồm: Phật giáo, có trên 26 nghìn phật tử; Về tổ chức có: Ban trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Hoà Bình; 05 Ban Trị sự Phật giáo cấp huyện; Về chức sắc có 02 Thượng tọa, 05 Đại đức; 02 sư thầy; 39 chức việc; Cơ sở thờ tự Phật giáo hiện có 12 chùa; Công giáo có trên 21 nghìn tín đồ; Về tổ chức Công giáo gồm 06 Giáo xứ, 54 giáo họ thuộc 03 Giáo phận: ( Hà Nội, Phát Diệm và Hưng Hóa) tín đồ có ở 72 xã, phường, thị trấn thuộc 11/11 huyện thành phố. Về Chức sắc, tu sỹ, chức việc; có 12 linh mục, 03 tu sỹ, 19 nữ tu (thuộc các Dòng tu: Mến Thánh giá; Dòng Thánh Phaolô; Dòng Thiên Hòa do 02 Giáo phận Hà Nội và Giáo phân Hưng Hóa quản lý); có 173 Chức việc; Cơ sở thờ tự có 06 nhà thờ xứ, 04 nhà thờ họ; Tin lành, có trên 80 người theo ngoài ra còn có trên 200 người bị ảnh hưởng. Những người theo đạo Tin lành theo nhiều hệ phái khác nhau như: Truyền giảng Phúc âm, Phúc âm ngũ tuần, Lời sự sống, Báp tít Ân điển Nam phươngTin lành Việt Nam – Miền Bắc, Liên hữu Cơ đốc, Truyền giáo Phục hưng Việt Nam. Số tín đồ này thuộc nhiều hệ phái khác nhau, có số lượng ít, chưa đủ điều kiện để đăng ký sinh hoạt điểm nhóm; chính quyền địa phương tạo điều kiện sinh hoạt tại gia.
Có thể nói rằng, 17 năm qua dướisự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo tỉnh nhà nên tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh ổn định; các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường theo quy định của pháp luật và đi vào nề nếp. Chức sắc, bà con giáo dân, tín đồ phật tử phấn khởi tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; đặc biệt trong công tác giải quyết các nhu cầu sinh hoạt chính đáng của các tổ chức tôn giáo và bà con giáo dân đều được đáp ứng và cơ bản theo quy định của pháp luật.
Hướng đến kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo (02/8/1955 - 02/8/2020), là dịp để những người làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên cả nước nói chung, Hòa Bình nói riêng ôn lại những sự kiện truyền thống vẻ vang của ngành, của cơ quan QLNN về tôn giáo; sự nỗ lực, phấn đấu của các thế hệ cán bộ, công chức làm công tác QLNN về tôn giáo qua các thời kỳ; từ đó để có thêm quyết tâm, vững bước trong chặng đường tiếp theo, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng tỉnh Hòa Bình nói riêng và cả nước nói chung ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh./.
Ngô Xuân Thu, Phòng Tôn giáo