Đồng chí Hoàng Mạnh Cường, Trưởng phòng tổ chức biên chế và tổ chức phi chính phủ (Sở Nội vụ) cho biết: Triển khai thực hiện các nghị định của Chính phủ, Bộ Nội vụ về vị trí việc làm, Sở Nội vụ đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị hướng dẫn cách làm, tổ chức thực hiện. Mỗi cơ quan, đơn vị sẽ xây dựng đề án vị trí việc làm, tổng hợp thành đề án của ngành gửi Sở Nội vụ thẩm định. Trên cơ sở đề án của các ngành, cơ quan, đơn vị, Sở Nội vụ tổng hợp xây dựng đề án của tỉnh gửi Bộ Nội vụ thẩm định, phê duyệt. Năm 2013, việc triển khai được thực hiện đồng loạt trên toàn tỉnh, tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, các cơ quan, đơn vị đều gặp lúng túng nên không thực hiện được. Trước tình hình đóSở tham mưu thực hiện thí điểm ở huyện Tân Lạc, trực tiếp tham gia, hướng dẫn huyện làm. Sau khi đề án vị trí việc làm của huyện được xây dựng gửi về Bộ Nội vụ tham khảo cơ bản đạt yêu cầu lấy làm mẫu triển khai rộng trong toàn tỉnh. Trong năm 2014, các cơ quan, đơn vị xây dựng xong đề án, Sở tiến hành xây dựng đề án của tỉnh. Tháng 4/2015, Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh được hoàn thành gửi về Bộ Nội vụ thẩm định. Tháng 8/2015, Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành gửi về Bộ. Đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã thẩm định xong Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh.
Qua tìm hiểu tại các cơ quan, đơn vị cho thấy, do là lần đầu triển khai thực hiện xây dựng đề án vị trí việc làm nên không tránh khỏi bỡ ngỡ, lúng túng. Bản thân mỗi cán bộ, công chức cũng gặp khó khi kê khai, mô tả vị trí việc làm của mình. Mặc dù là công việc làm hàng ngày, thường xuyên nhưng để thống kê, mô tả lại chi tiết, cụ thể tương ứng với thời gian, khối lượng thì khá khó khăn, thường kê khai không chuẩn, phải làm đi làm lại nhiều lần. Vị trí việc làm được hiểu là công việc, nhiệm vụ gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức, xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Cấu trúc của mỗi vị trí việc làm gồm bản mô tả công việc và khung năng lực phù hợp để hoàn thành công việc. Vị trí việc làm có thể do một người hoặc nhiều người đảm nhận hoặc kiêm nhiệm. Việc xác định vị trí việc được thực hiện theo phương pháp tổng hợp, nghĩa là kết hợp giữa hoạt động phân tích tổ chức và phân tích công việc... Thực chất của mô hình mới này là xem xét trong cơ quan, đơn vị có bao nhiêu vị trí việc làm và cần bao nhiêu người để hoàn thành khối lượng công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng tổ chức biên chế và tổ chức phi chính phủ (Sở Nội vụ) cho biết thêm: Thực hiện mô hình vị trí việc làmthay đổi cách quản lý trước đây là quản lý chung chung sang quản lý chặt chẽ hơn theo vị trí việc làm, xác định khối lượng công việc cụ thể, khung năng lực (bao gồm các yếu tố kiến thức, kỹ năng, thái độ, các phẩm chất cần thiết để hoàn thành được nhiệm vụ) với mỗi vị trí việc làm. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức khi đến công sở sẽ biết được mình phải làm những việc gì. Có thể nói là xoá bỏ được tình trạng trường hợp đến cơ quan chỉ làm những việc không tên hay ngồi uống nước chè chờ hết buổi rồi về Mô hình vị trí việc làm sẽ làm cho công chức, viên chức linh hoạt, năng động, được coi trọng năng lực, hiệu quả công tác, được làm việc trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, từ đó chất lượng hoạt động công vụ được nâng cao.
Trên cơ sở đề án vị trí việc làm là căn cứ để xác định biên chế, quản lý công chức, viên chức, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức, viên chức, điều động, luân chuyển, tuyển dụng đúng chuyên ngành, trình độ, khắc phục bất cập trong bố trí, sắp xếp cán bộ, việc xây dựng, thực hiện tốt đề án sẽ khắc phục được tình trạng dôi dư, góp phần tinh giản biên chế, tạo hiệu quả trong sử dụng nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.Hiện nay, tuy đề án chưa có giá trị pháp lý nhưng các cơ quan đã bước đầu áp dụng như số lượng biên chế cán bộ, công chức, khung năng lực trong tuyển dụng, sắp xếp, bố trí việc làm. Trong thời gian tới, khi đề án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và có giá trị pháp lý, để triển khai đề án có hiệu quả các cơ quan, đơn vị cần rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo đề án đã được phê duyệt, áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp như tinh giản biên chế, đào tạo lại, bố trí vào vị trí tương ứng đối với cán bộ, công chức chưa hoặc không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn.
Theo baohoabinh.com.vn