(HBĐT) - Vụ mùa 2012, huyện Lương Sơn cấy 2.600 ha lúa và trên 1.000 ha cây màu các loại. Đến nay, cơ bản diện tích cây trồng đều phát triển tốt, trong đó, diện tích lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ - phân hóa đòng.
Theo Trạm BVTV huyện Lương Sơn, trên diện tích cây trồng vụ mùa thời gian qua đã xuất hiện một số đối tượng gây hại phổ biến trên cây lúa: tập đoàn rầy, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ, chuột, bệnh vàng khô vằn... và trên cây màu vụ hè - thu đã xuất hiện các loại sâu xám, sâu xanh, chuột và bọ nhảy. Đáng chú ý là tình trạng ốc bươu vàng xuất hiện và gây hại mạnh trên diện tích lúa mới cấy với diện tích 1.800 ha, trong đó, 360 ha bị nhẹ, 600 ha bị trung bình và 840 ha bị nặng. Tại các xã Cao Thắng, Cao Dương, Thành Lập..., đàn chuột phát triển nhanh và gây hại trên các ruộng lúa với tỷ lệ trung bình từ 1 - 2%, nơi cao là 4%. ông Phạm Văn Đại, Trạm trưởng trạm BVTV huyện Lương Sơn cho biết: Trước tình trạng sâu bệnh gây hại mạnh trên các trà lúa, Trạm đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ 9.800 gói thuốc trừ ốc bươu vàng, 120 kg thuốc diệt chuột và thuốc trừ rầy cho các xã và chỉ đạo, hướng dẫn các xã phun thuốc trừ ốc bươu vàng kết hợp với các biện pháp bắt, thu gom thủ công khác. Đến ngày 10/8, toàn huyện đã diệt được 5.500 con chuột bằng các biện pháp thủ công, sinh học và dùng bả Diphacinone.
Hiện nay, cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ - phân hóa đòng nên ốc bươu vàng ít có khả năng gây hại và không còn đáng lo ngại. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn tập đoàn rầy phát triển và gây hại mạnh và có khả năng phát triển thành dịch vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 là rất lớn, do đó cần chú ý theo dõi chặt diễn biến của rầy, đặc biệt rầy có mầm virut lùn sọc đen để có biện pháp xử lý kịp thời. Từ nay đến cuối tháng 8, nếu thời tiết âm u, mưa nhiều, sâu sẽ có điều kiện bùng phát thành dịch hại bộ lá đòng. Do đó, Trạm BVTV huyện khuyến cáo bà con nông dân nên thăm đồng thường xuyên và chú ý theo dõi diễn biến của các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại trên các trà lúa, trong đó, đặc biệt chú ý đến sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, sâu đục thân lứa 4 gây bông bạc trà lúa sớm, dảnh héo trà chính vụ với tỷ lệ 3 - 5% và các bệnh khô vằn, sọc vi khuẩn, bạc lá sẽ phát sinh gây hại mạnh từ giữa tháng 8, tỷ lệ hại trung bình 3 - 5%, cao là 10%. Ngoài ra, cũng cần lưu ý các đối tượng như: bệnh vàng lá sinh lý, bọ xít dài, châu chấu, chuột tiếp tục phát sinh và gây hại cục bộ trên các trà lúa.
Để giúp bà con nông dân phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, Trạm BVTV huyện đề nghị các xã, thị trấn tập trung bón thúc đợt 2 cho lúa để cây lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi và theo dõi chặt chẽ các đối tượng xuất hiện, gây hại trên các trà lúa để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Cần lưu ý, chỉ phun trừ rầy khi mật độ rầy cao trên 2.000 con/m2 bằng thuốc Nibas, Amira, Midan và phun trừ sâu cuốn lá nhỏ khi mật độ sâu non cao trên 50 con/m2 bằng các loại thuốc như Bonus 40EC, Dilan 2EC, Monster 40EC. Riêng với sâu đục thân cần áp dụng các biện pháp như vợt bắt trưởng thành, ngắt bỏ ổ trứng, rút bỏ dảnh héo; những ruộng có mật độ cao cần phun trừ sớm ngay từ khi trứng mới nở và có thể dùng loại thuốc như: Bonus 40EC, Patox 95SP, Regent 800 WG phun khi sâu nhỏ để đảm bảo hiệu lực của thuốc.
Hồng Ngọc (baohoabinh.com.vn)