Cùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước ta, ngành Lưu trữ đã tổ chức bảo vệ an toàn một khối lượng lớn tài liệu lưu trữ tại địa phương có ý nghĩa Quốc gia. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của công tác lưu trữ. Ngày 03/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Thông đạt số 1C/ VP gửi các bộ trưởng nêu rõ: “Xét rằng một vài công sở đã tự tiện huỷ bỏ hay bán các công văn và hồ sơ cũ. Hành động ấy có tính cách phá hoại, vì nó làm mất những tài liệu có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia. Vậy yêu cầu các Ông Bộ trưởng ban chỉ thị cho nhân viên các Sở phải gìn giữ tất cả các công văn, tài liệu và cấm không được huỷ những công văn, tài liệu ấy, nếu không có lệnh trên rõ rệt cho phép huỷ bỏ. Xin nhắc rằng những hồ sơ hoặc công văn không cần dùng sau này sẽ phải gửi về những Sở lưu trữ công văn thuộc Bộ Quốc gia giáo dục để tàng trữ. Những viên chức không tuân lệnh này sẽ bị nghiêm trị”. Bản thông đạt ra đời đã đánh dấu một mốc son cho công tác lưu trữ Việt Nam, đây là văn bản pháp lý đầu tiên của nhà nước ta về công tác lưu trữ, kịp thời ngăn chặn tình trạng tuỳ tiện hủy bỏ hồ sơ, tài liệu lưu trữ và nâng cao ý thức của cán bộ, nhân dân đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ quốc gia.
Với ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của công tác lưu trữ đối với xã hội và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, ngày 17/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1229/QĐ-TTg lấy ngày 03 tháng 01 hàng năm là ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam - lấy tên là 'Ngày lưu trữ Việt Nam'. Nhằm tăng cường công tác giáo dục truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam, đồng thời nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của những người làm công tác văn thư, lưu trữ và của toàn xã hội trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội ở địa phương; động viên phong trào thi đua lao động, nâng cao ý thức kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Văn thư, Lưu trữ; biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.
Tại tỉnh ta, từ khi tái lập tỉnh đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, các ngành, lãnh đạo đơn vị địa phương, công tác lưu trữ của các cơ quan đã đi vào nề nếp và có nhiều chuyển biến tích cực.
Tổ chức bộ máy về công tác lưu trữ được kiện toàn từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Các văn bản liên quan đến hướng dẫn nghiệp vụ văn thư và quản lý lưu trữ từ cấp tỉnh tới cấp xã được xây dựng cơ bản đồng bộ. Công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác lưu trữ từ cấp tỉnh đến cấp huyện ngày càng được quan tâm. Đến nay, cơ bản các cơ quan, tổ chức các cấp, các ngành, đơn vị địa phương và các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước đã bố trí cán bộ làm công tác văn thư, cán bộ lưu trữ có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, Chi cục Văn thư - Lưu trữ đang quản lý 03 phông tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh qua các thời kỳ gồm: Phông tài liệu Ủy ban Hành chính tỉnh Hòa Bình từ năm 1945 đến 1976; Phông tài liệu Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình (bản sao) từ năm 1976 đến tháng 9/1991; Phông tài liệu Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình từ tháng 10/1991 đến nay với số lượng trên 350 mét giá đã được chỉnh lý hoàn chỉnh.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Viết Trọng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ biểu dương và chúc mừng những thành tích mà Chi cục Văn thư -Lưu trữ và đội ngũ làm công tác lưu trữ tại các cơ quan, tổ chức trong tỉnh đã làm được trong thời gian qua. Phát huy những thành tích đạt được và để khắc phục khó khăn, đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp, các ngành đối với công tác lưu trữ. Trong đó, nhấn mạnh bốn nội dung: Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật lưu trữ, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; người đứng đầu cơ quan, tổ chức cần nêu cao trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp một cách khoa học và hiệu quả công tác văn thư, lưu trữ, kiện toàn tổ chức lưu trữ các cấp, phát huy giá trị tài liệu; đảm bảo kinh phí cho việc xây dựng và trang bị các kho lưu trữ, đáp ứng yêu cầu an toàn tuyệt đối tài liệu lưu trữ. Bên cạnh đó, cần có chính sách cơ chế tuyển dụngđối với cán bộ làm công tác lưu trữ./.
Đồng chí Nguyễn Viết Trọng - Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu chúc mừngđội ngũ làm công tác lưu trữ thuộc các cơ quan, tổ chức.
Quang cảnh buổi Gặp mặt kỷ niệm 70 năm ngành Lưu trữ Việt Nam.
Phạm Bá Kiên- Chi cục VTLT